Đó là một trong những chủ đề được quan tâm tại họp báo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) diễn ra ngày 19/11.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS cho biết, hiện Chính phủ Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang theo dõi rất sát những quan điểm, đường lối chính sách của Tổng thống Mỹ Donlad Trump. Ngoại trừ Trung Quốc, vị Tổng thống tái đắc cử của nước Mỹ chưa thể hiện quan điểm rõ ràng về chính sách thuế đối với các quốc gia khác.
Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của ông Giang, trong 2 năm đầu nắm quyền sẽ chưa có biến động lớn về chính sách. “Nhưng nếu có biến động xảy ra, ngành dệt may Việt Nam cũng sẽ thực hiện đa dạng hóa thị trường” – ông Giang khẳng định.
Theo đó, hiện ngành dệt may Việt Nam vẫn đang thúc đẩy xuất khẩu vào Mỹ dựa trên một số trọng tâm.
Cụ thể, Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn của ngành dệt may Việt Nam với kim ngạch trên 10 tỷ USD năm, chiếm tỷ trọng 40%. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đang nhập khẩu khoảng 38-39 mặt hàng nông nghiệp của Mỹ.
Trong đó, ngành dệt may Việt Nam nhập khẩu mặt hàng bông Mỹ và là khách hàng lớn nhất của ngành bông Mỹ. Sau Brazil, Úc, bông Mỹ là một trong những ưu tiên của ngành dệt may Việt Nam để phục vụ cho các nhà máy kéo sợi.
Mối quan hệ của VITAS với Hiệp hội Bông Mỹ và Bộ Nông nghiệp Mỹ rất tốt. Hàng năm, các bên đều tổ chức các hội thảo chuyên sâu, chuyên để về ngành bông Mỹ và thị trường Việt Nam.
Một yếu tố tác động nữa, theo ông Giang, là Việt Nam tự tin đáp ứng nhanh chóng những đòi hỏi về chính sách của các nước.
“Các doanh nghiệp đã chịu áp lực rất lớn trong nhiều năm qua và đã thích ứng rất tốt. Đặc biệt, sự đầu tư về công nghệ tự động hóa và quản trị số đã giải quyết được các bài toán về năng suất lao động, giá thành sản xuất, giữ uy tín chất lượng, giữ quan hệ hợp tác với các đối tác…” – ông Giang nhấn mạnh.
Về kết quả năm 2024, ông Giang thông tin, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 44 tỷ USD như dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%; xuất siêu 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023.
Kết quả này là nền tảng tích cực cho năm 2025. Theo đó, VITAS đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 ở mức 47-48 tỷ USD.
Năm 2024 Vitas đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong các hoạt động vận động chính sách, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; những hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế có chiều sâu nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa đối tượng khách hàng, mặt hàng.
VITAS cũng đã tổ chức trên 70 chương trình hội thảo, đào tạo tại 3 miền Bắc, Trung, Nam; kết nạp thêm 60 hội viên mới nâng tổng số hội viên của VITAS lên gần 1.000 doanh nghiệp hội viên chính thức và liên kết.
Nguồn: Hải quan online