Nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển, đóng góp trở lại cho NSNN, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% trong 6 tháng đầu năm 2025.
Ngày 12/11/2024, Chính phủ đã có Nghị quyết số 218/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, trong đó giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương sớm tổng kết, đánh giá và tham mưu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất,… trong đó, tiếp tục gia hạn giảm thuế GTGT trong 6 tháng đầu năm 2025 để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.
Trên cơ sở này, đồng thời bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tài chính đã có dự thảo đề nghị xây dựng nghị quyết giảm thuế GTGT.
Theo đó, dự thảo đề xuất giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế TTĐB.
Bộ Tài chính đề xuất thời gian thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2025, áp dụng cho các đối tượng là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT; cơ quan quản lý thuế, cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Theo Bộ Tài chính, Luật thuế GTGT hiện hành quy định 2 mức thuế suất thuế GTGT là 5% và 10% (không kể mức 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; đối tượng không chịu thuế GTGT). Số thuế phải nộp bằng số thuế GTGT đầu ra – số thuế GTGT đầu vào.
Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% thì cơ bản số thuế GTGT đầu ra nhỏ hơn số thuế GTGT đầu vào nên cơ sở kinh doanh thường không phát sinh số thuế GTGT phải nộp. Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10% thì sẽ phát sinh số thuế GTGT phải nộp (thuế GTGT đầu ra lớn hơn thuế GTGT đầu vào).
Do vậy, Bộ Tài chính đề xuất phương án giảm thuế 2% thuế GTGT đối với 1 số hàng hóa, dịch vụ tại dự thảo, giữ nguyên như nội dung đã được quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 101/2023/QH15, Nghị quyết số 110/2023/QH15 và Nghị quyết số 142/2024/QH15; giao Chính phủ hướng dẫn, tổ chức triển khai, bảo đảm công khai minh bạch, hiệu quả, dễ thực hiện nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Theo cơ quan soạn thảo, việc giảm thuế GTGT 2% đáp ứng kịp thời nhu cầu trước mắt và lâu dài, gắn kết chặt chẽ với Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.
Việc giảm thuế góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Việc kéo dài thời gian giảm thuế này tới hết tháng 6/2025 dự kiến làm giảm thu ngân sách khoảng 25.000 tỷ đồng.
Như vậy, nếu đề xuất giảm thuế GTGT lần này được thông qua thì đây là lần thứ 5 Việt Nam thực hiện giảm thuế GTGT để thúc đẩy tiêu dùng, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nguồn: Hải quan online