Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu khỉ và cá sấu nuôi sang Trung Quốc. Việc xuất khẩu 2 mặt hàng này sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, người chăn nuôi của Việt Nam phát triển, ổn định đầu ra cho sản phẩm và mang lại lợi ích kinh tế cao.

41

Tận dụng cơ hội để mở rộng thị trường

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tại Việt Nam việc gây giống và nuôi cá sấu nước ngọt được bắt đầu từ những năm 1980, đến nay đã trở nên phổ biến ở các tỉnh phía Nam, nhất là ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Tháp, Đồng Nai, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau… Khu vực này hiện có hơn 2.000 trại nuôi cá sấu, chủ yếu quy mô nhỏ (vài chục đến vài trăm con/trại) và mới chỉ có một số ít trại nuôi đăng ký theo quy định của Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Trong thời gian tới, các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn các đơn vị tham gia xuất khẩu nắm vững các yêu cầu và quy định mới, giúp các địa phương, doanh nghiệp và người sản xuất chuẩn bị tốt cho việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Trung Quốc để đảm bảo quá trình triển khai Nghị định thư thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội từ các Nghị định thư này.

Về thị trường, hiện Trung Quốc vẫn là thị trường chính nhập khẩu cá sấu sống của Việt Nam. Cụ thể, cá sấu nước ngọt xuất khẩu bao gồm cá sấu sống xuất khẩu sang Trung Quốc (chiếm tới 99% sản lượng) và da muối (chiếm 29% sản lượng), còn lại xuất đi các nước Nhật Bản, Thái Lan, Singapore và một số nước thuộc EU.

“Số lượng cá sấu tại khu vực Nam bộ được CITES cấp phép xuất khẩu là hơn 114.000 cá sấu sống, song mới chỉ xuất được khoảng 32.800 con do Hải quan Trung Quốc không cho nhập cá sấu sống từ ngày 21/11/2019, kể cả đã được cấp Giấy phép CITES. Theo số liệu của các cơ quan kiểm dịch động vật thuộc Cục Thú y, từ năm 2022 đến nay, cá sấu sống của Việt Nam chỉ xuất khẩu sang Nhật Bản với mục đích làm hàng mẫu với số lượng là 40 con (năm 2022 là 20 con và 2023 là 20 con).

Đối với khỉ nuôi, cả nước có số lượng khỉ sống xuất khẩu (với mục đích phục vụ nghiên cứu khoa học) từ năm 2022 đến hết tháng 7/2024 là trên 18.700 con, chủ yếu xuất khẩu sang các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Hàn Quốc… Do đó, việc đàm phán và ký được các Nghị định thư về xuất khẩu khỉ nuôi và cá sấu nuôi từ Việt Nam sang Trung Quốc là nỗ lực rất lớn trong thời gian dài của các cơ quan Việt Nam và Trung Quốc. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp và người chăn nuôi của Việt Nam phát triển, mở rộng thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm, mang lại lợi ích kinh tế cao”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì?

Theo các chuyên gia, Trung Quốc là thị trường tiềm năng đối với ngành hàng cá sấu của Việt Nam bởi nhu cầu tiêu thụ cá sấu ở Trung Quốc là rất lớn, tuy nhiên, để xuất khẩu được cá sấu sang thị trường này thuận lợi, các cơ sở, doanh nghiệp được phép gây nuôi phải xây dựng được vùng nguyên liệu, vùng chăn nuôi và chăm sóc cá sấu và phải đáp ứng được các điều kiện nêu ra trong Nghị định thư đã được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm, việc xuất khẩu cá sấu nuôi vào thị trường Trung Quốc phức tạp hơn so với các mặt hàng cùng được ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc vừa qua là dừa và sầu riêng đông lạnh. Bởi ngoài các quy định về kiểm dịch động vật và sức khỏe của cá sấu, cá sấu còn là động vật hoang dã được kiểm soát bởi cơ quan quản lý CITES .

Vì vậy, khi xuất khẩu da cá sấu, các sản phẩm từ da cá sấu, cá sấu nguyên con ra khỏi biên giới Việt Nam đều phải tuân theo những quy định của công ước này và phải có Giấy phép CITES xuất khẩu đối mặt hàng này. Giấy phép CITES chỉ được cấp một bản duy nhất và luôn đi kèm lô hàng, mẫu vật CITES. Thời hạn hiệu lực tối đa của giấy phép xuất khẩu và tái xuất khẩu là 6 tháng.

Là địa phương có số lượng cơ sở nuôi cá sấu lớn trên cả nước, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, toàn tỉnh hiện có 36 cơ sở, hộ gia đình nuôi cá sấu với khoảng 190.000 cá thể. Trong đó, Doanh nghiệp tư nhân Mỹ Hiệp (huyện Cao Lãnh) được cấp Giấy chứng nhận trại nuôi sinh sản cá sấu nước ngọt vì mục đích thương mại và xuất khẩu với trên 177.000 cá thể. Đối với 35 hộ còn lại chủ yếu nuôi thuần dưỡng con non, xuất bán cho các hộ khác tiếp tục gây nuôi thương phẩm, không nuôi sinh sản.

Để ngành hàng cá sấu của tỉnh tiếp tục phát triển bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đơn vị chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ địa phương, các doanh nghiệp, hộ nuôi cá sấu thủ tục. Tổ chức xét nghiệm các loại dịch bệnh theo yêu cầu xuất khẩu cá sấu sang Trung Quốc theo quy định của Nghị định thư, đồng thời tổ chức xây dựng hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc cá sấu và dịch bệnh trên cá sấu.

Đối với mặt hàng khỉ, để xuất khẩu được khỉ sống sang Trung Quốc, theo Nghị định thư khỉ phải không có bệnh Ebola Hemorrhagic và bệnh Marburg, không có ca bệnh lâm sàng Cercopithecine Herpesvirus loại I (vi-rút B), Lao, Salmonella và bệnh lỵ trực khuẩn (Shigellosis) ở các khu vực và nơi xuất xứ của khỉ xuất khẩu trong 12 tháng.

Khỉ xuất khẩu sang Trung Quốc phải được sinh ra hoặc nuôi nhốt ít nhất 2 năm ở Việt Nam. Trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc, khỉ đã qua kiểm dịch tại trang trại gốc sẽ được cách ly 30 ngày tại địa điểm kiểm dịch được phía Việt Nam phê duyệt. Trong thời gian cách ly, khỉ sẽ được kiểm tra lâm sàng từng con một, xác nhận khỏe mạnh, không có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm. Tất cả khỉ sẽ được xét nghiệm trong phòng thí nghiệm được phía Việt Nam phê duyệt và chỉ những con khỉ có kết quả âm tính mới được xuất khẩu sang Trung Quốc.

(Nguồn: Hải quan)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *