8 tháng năm 2024, cả nước xuất khẩu gần 1,17 triệu tấn phân bón các loại, tương đương trên 478,69 triệu USD, tăng 5,9% về khối lượng, tăng 6,4% về kim ngạch.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng năm 2024, cả nước xuất khẩu gần 1,17 triệu tấn phân bón các loại, tương đương trên 478,69 triệu USD, giá trung bình 410,8 USD/tấn, tăng 5,9% về khối lượng, tăng 6,4% về kim ngạch và tăng 0,5% về giá so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng tháng 8/2024, xuất khẩu 131.735 tấn phân bón các loại đạt 58,51 triệu USD, giá 444,2 USD/tấn, giảm 0,4% về khối lượng, giảm 0,5% kim ngạch và giảm 0,14% về giá so với tháng 7/2024. So với tháng 8/2023 cũng giảm 16,7% về lượng, giảm 0,6% kim ngạch nhưng tăng 19,2% về giá.
Điều kiện buôn bán phân bón được quy định như thế nào?
Căn cứ theo khoản 6 Điều 2 Nghị định 84/2019/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 2. Giải thích từ ngữ
..
- Buôn bán phân bón là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác để đưa phân bón vào lưu thông.”
Theo Điều 42 Luật Trồng trọt 2018 quy định như sau:
“Điều 42. Điều kiện buôn bán phân bón
- Tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; trường hợp buôn bán phân bón do mình sản xuất thì không phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.
- Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón bao gồm:
- a) Có địa điểm giao dịch hợp pháp, rõ ràng;
- b) Có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ truy xuất nguồn gốc phân bón theo quy định;
- c) Người trực tiếp buôn bán phân bón phải được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trừ trường hợp đã có trình độ từ trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học.
- Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời hạn, thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.
Vì vậy, khi đáp ứng các điều kiện trên và để lưu thông hàng hóa là phân bón không sản xuất thì bạn cần được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón như sau:
Quy định tại Điều 13 Nghị định 84/2019/NĐ-CP như sau:
“Điều 13. Thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón và kiểm tra duy trì điều kiện
..
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón theo Mẫu số 11 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
- Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón (sau đây viết tắt là Giấy chứng nhận) phải đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan ngay sau khi cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận.”
Ngoài ra, bạn cần chuẩn bị hồ sơ theo Điều 15 Nghị định 84/2019/NĐ-CP như sau:
“Điều 15. Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón theo Mẫu số 08 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
- Bản chụp văn bản chứng nhận đã được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên của người trực tiếp buôn bán phân bón theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 42 Luật Trồng trọt.”
Xuất khẩu phân bón có cần được Bộ Công Thương phê duyệt không?
Căn cứ tại Điều 4 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định về thủ tục xuất nhập khẩu như sau:
“Điều 4. Thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu
- Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép của bộ, cơ quan ngang bộ liên quan.
- Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo điều kiện, thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải đáp ứng điều kiện theo quy định pháp luật.
- Đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra theo quy định tại Điều 65 Luật Quản lý ngoại thương, thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phải chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
- Đối với hàng hóa không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều này, thương nhân chỉ phải giải quyết thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại cơ quan hải quan.”
Căn cứ theo khoản 2 Điều 1 Thông tư 30/2009/TT-BCT quy định.
“Điều 1. Quy định về xuất khẩu phân bón có nguồn gốc nhập khẩu
..
- Thương nhân có nhu cầu xuất khẩu phân bón có nguồn gốc nhập khẩu làm thủ tục xuất khẩu tại cơ quan Hải quan theo quy định, không phải xin phép Bộ Công Thương. Việc nhận tiền thanh toán phân bón xuất khẩu phải được thực hiện qua ngân hàng bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi.”
Như vậy, từ các điều khoản nêu trên bạn chỉ cần thực hiện thủ tục khai quan tại cơ quan hải quan mà không cần xin phép Bộ Công Thương để được cấp phép xuất khẩu phân bón.
hủ tục khai quan xuất khẩu phân bón gồm những gì?
Căn cứ vào Điều 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định như sau:
“Điều 16. Hồ sơ hải quan
- Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu bao gồm:
- a) Tờ khai hàng hóa xuất khẩu theo các chỉ tiêu thông tin tại Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này.
Trường hợp thực hiện trên tờ khai hải quan giấy theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, người khai hải quan khai và nộp 02 bản chính tờ khai hàng hóa xuất khẩu theo mẫu HQ/2015/XK Phụ lục IV ban hành kèm Thông tư này;
- b) Giấy phép xuất khẩu đối với hàng hóa phải có giấy phép xuất khẩu: 01 bản chính nếu xuất khẩu một lần hoặc 01 bản chụp kèm theo Phiếu theo dõi trừ lùi nếu xuất khẩu nhiều lần;
- c) Giấy thông báo miễn kiểm tra hoặc giấy thông báo kết quả kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật: 01 bản chính.
Đối với chứng từ quy định tại điểm b, điểm c khoản này, nếu áp dụng cơ chế một cửa quốc gia, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành gửi giấy phép xuất khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra, miễn kiểm tra chuyên ngành dưới dạng điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, người khai hải quan không phải nộp khi làm thủ tục hải quan.”
Đối chiếu các điều khoản nêu trên bạn tham khảo thực hiện những yêu cầu cần thiết để thực hiện việc xuất khẩu phân bón.
(Nguồn: Thư viện pháp luật)