Thị trường EU ngày càng đặt ra những tiêu chuẩn xanh mạnh mẽ hơn cho hàng hoá xuất khẩu, sẽ tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Thị trường lớn của hàng hoá Việt
Theo thống kê mới nhất của Bộ Công Thương, 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sang thị trường EU ước đạt 47,3 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 8%).
Đáng chú ý, sau 4 năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) đang là động lực lớn thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Nếu như năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 35 tỷ Euro, thì đến năm 2023 con số này đã lên tới 48 tỷ Euro. Nhiều ngành hàng ghi nhận tăng trưởng mạnh như điện tử, dệt may, giày dép, nông thủy sản…
EU là thị trường lớn cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam và mỗi thay đổi trong chính sách của thị trường này sẽ tác động lớn đến hàng hoá xuất khẩu. Đơn cử, theo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ – Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU hiện đang đứng trước những thách thức mới đến từ các “chính sách xanh” của EU với những quy định khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu và tiêu dùng theo hướng phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn. Trong đó, Kế hoạch nền kinh tế tuần hoàn là một phần của Thỏa thuận xanh châu Âu. Thỏa thuận xanh châu Âu như một mục tiêu, một chiến lược của EU để giúp khối này giảm phát thải ròng bằng 0 sớm nhất có thể vào năm 2050.
Để thực hiện được chiến lược và mục tiêu này, EU sẽ đưa ra hàng loạt các quy định, trong đó có Kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn (CEAP). Kế hoạch này sẽ tác động trực tiếp đến 7 nhóm lĩnh vực xuất khẩu chính của Việt Nam, cụ thể là: thiết bị điện tử; công nghệ thông tin; nhóm về pin; nhóm về bao bì; nhóm về nhựa; dệt may và da giày.
Trong đó, quy định ISPR (quy định liên quan đến thiết kế sinh thái, sản phẩm bền vững) đã có hiệu lực từ tháng 7/2024. ISPR ảnh hưởng đến một số lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có dệt may và giày dép, các sản phẩm nhựa và bao bì. ISPR có quy định liên quan đến việc ngăn chặn, hạn chế tiêu hủy các sản phẩm dệt may, yêu cầu các sản phẩm phải có hộ chiếu kỹ thuật số DPP.
Xu hướng xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững được cho là yếu tố không thể thay đổi trong chính sách của EU, cũng là điều mà các doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải đáp ứng để theo kịp yêu cầu của thị trường. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương cho biết, hàng rào xanh dựng lên cho hàng hoá nhập khẩu là xu hướng không thể đổi khác. Lý do của tình trạng này là do tình hình biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ngày càng gay gắt. EU đã trở thành thị trường đi đầu trên thế giới, dùng sức mạnh của nhà nhập khẩu để áp dụng các tiêu chí, tiêu chuẩn xanh đối với hàng hoá nhập khẩu. Do đó, doanh nghiệp phải coi đó là điều đương nhiên, cần thiết và buộc phải đáp ứng được vì đây là xu thế không thể đổi khác.
Về phía doanh nghiệp, ông Vương Đức Anh – Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, thị trường EU đã luật hóa tất cả những quy định liên quan đến phát triển bền vững và họ có xu hướng yêu cầu những quy định liên quan đến phát triển bền vững không phải ở góc độ mang tính tự nguyện mà là yêu cầu bắt buộc.
Đơn cử, Adidas với Nike đều đặt ra mục tiêu đến năm 2025 hay đến năm 2030 dùng 50% nguyên liệu tái chế được. Họ đều có một chương trình phát triển bền vững rất cụ thể và doanh nghiệp dệt may Việt Nam làm hàng theo yêu cầu của họ cũng phải có những thay đổi về mặt nguyên liệu. Ví dụ như doanh nghiệp trong ngành sợi của Vinatex, 20% sản phẩm ngành sợi đang theo hướng sợi tái chế và tuần hoàn. Doanh nghiệp phải mua bông organic hoặc mua những nguồn nguyên liệu mang tính chất tự nhiên và có thể tái chế được.
Không chỉ là thách thức
Tăng trưởng xanh là yêu cầu bắt buộc với doanh nghiệp xuất khẩu trong giai đoạn tới. Đồng thời, đây là hoạt động rất tốn kém. Song TS Lê Quốc Phương cho rằng, doanh nghiệp cần phải xem việc chuyển đổi xanh không chỉ là thách thức và khó khăn mà là cơ hội lớn để doanh nghiệp đầu tư, chuyển đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư quy trình sản xuất, thay đổi thiết bị, nguyên liệu đầu vào. Sự thay đổi sẽ kích thích đổi mới sáng tạo và về lâu dài thúc đẩy chuyển đổi tốt hơn.
Cụ thể, với chuyển đổi xanh, doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra chi phí ban đầu như sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, sử dụng nguyên liệu tái chế được. Nhưng về lâu dài sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp như giảm chi phí năng lượng, giảm giá thành. Nếu doanh nghiệp đạt chuyển đổi xanh càng sớm, sẽ càng tăng sức cạnh tranh của mình với các đối thủ. Do đó, chuyển đổi xanh sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý – Vụ trưởng, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại thị trường Thuỵ Điển, kiêm nhiệm Bắc Âu chia sẻ thêm, những tiêu chuẩn xanh châu Âu đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời cũng tạo ra cơ hội phát triển mới. Do vậy, các doanh nghiệp cần nhận thức rõ những thay đổi mà thỏa thuận sẽ mang lại và sẵn sàng thích ứng với những thách thức để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường EU.
Bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu của thị trường, một trong những giải pháp quan trọng là doanh nghiệp phải nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu. Thay vì tập trung vào gia công thô, doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ chế biến sâu và phát triển sản phẩm có tính khác biệt. Ví dụ, trong ngành gỗ, thay vì xuất khẩu nguyên liệu hoặc sản phẩm chưa hoàn thiện, các doanh nghiệp nên tập trung vào sản xuất đồ nội thất cao cấp, có thiết kế độc đáo, hay là đồ nội thất thông minh gắn với công nghệ, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng EU. Đối với nông sản và thủy sản, chế biến thành các sản phẩm giá trị gia tăng như thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn, hoặc sản phẩm hữu cơ cũng sẽ giúp tăng giá trị xuất khẩu.
(Nguồn: Bộ Công Thương)