Sầu riêng vốn là loại trái cây kén người ăn và có giá cao nhưng loại quả này lại được người tiêu dùng Trung Quốc đón nhận nồng nhiệt, coi sầu riêng là “vua” của các loại trái cây. Cơn sốt sầu riêng càng trở nên nóng hơn sau khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, giúp Trung Quốc dễ dàng nhập khẩu trái cây tươi từ các quốc gia Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam). Xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường hơn 1.5 tỷ dân này sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận với thị trường rộng lớn.
Thủ tục xuất khẩu mặt hàng sầu riêng
Về chính sách xuất khẩu, theo Nghị định 69/2018/NĐ-CP thì mặt hàng sầu riêng không nằm trong danh mục các mặt hàng cấm xuất khẩu hay hạn chế xuất khẩu và cũng không thuộc danh mục hàng hóa phải xin giấy phép khi xuất khẩu.
Tuy nhiên, để được xuất khẩu sầu riêng sang nước khác doanh nghiệp cần phải tuân thủ các điều kiện sau:
– Doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu với những giấy phép bao gồm: Giấy chứng nhận kinh doanh, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, Kiểm nghiệm sản phẩm sầu riêng xuất khẩu, Tự công bố sản phẩm sầu riêng, Giấy chứng nhận lưu hành tự do (Certificate of Free Sale), Giấy chứng nhận y tế (Health certificate).
– Sản phẩm phải được chiếu xạ: Chiếu xạ không chỉ giúp giữ quả sầu riêng ổn định chất lượng mà còn giúp đạt tiêu chí kiểm dịch, ức chế khả năng sinh sản, nảy nở của côn trùng và trứng bám trên quả.
– Kiểm dịch thực vật: Phải có đầy đủ các giấy tờ chứng minh nguồn gốc, chất lượng và phải qua quy trình kiểm dịch thực vật.
– Kiểm tra chất lượng sản phẩm và lượng thuốc bảo vệ thực vật: Ban quản lý sẽ kiểm định về hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật có trong sầu riêng, dư lượng thuốc tồn trong quả sầu riêng không vượt quá hạn mức để tránh ảnh hưởng đến quả và sức khỏe người tiêu dùng.
– Vùng trồng cần phải đạt tiêu chuẩn: Phải chứng minh được nguồn gốc và đảm bảo về vùng trồng đã đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đối với những thị trường quốc tế.
– Bao bì, nhãn mác và cách đóng gói hàng hóa. Những tiêu chuẩn về bao bì, nhãn mác rõ ràng, đầy đủ thông tin cùng cách đóng gói hàng hóa sẽ góp phần quyết định quả sầu riêng có thể xuất khẩu xa trên phạm vi quốc tế, đồng thời duy trì được đặc tính thơm ngon, bổ dưỡng của sầu riêng.
Để tránh rắc rối và đảm bảo chất lượng sản phẩm sầu riêng trước khi xuất khẩu, doanh nghiệp nên chuẩn bị và tiến hành kiểm nghiệm chất lượng một khoảng thời gian hợp lý trước khi gửi hàng. Thời gian chuẩn bị và kiểm nghiệm này có thể dao động tùy thuộc vào quy trình sản xuất với các yếu tố cụ thể, như: lịch trình tàu chạy, kế hoạch kiểm nghiệm định kỳ, yêu cầu từ đơn vị nhập khẩu, tiêu chuẩn nội bộ của doanh nghiệp…
Mã HS và thuế suất
Theo Biểu thuế Xuất nhập khẩu 2024, sầu riêng thuộc chương 8 “Quả và quả hạch (nuts) ăn được; vỏ quả thuộc họ cam quýt hoặc các loại dưa”, nhóm 0810, mã 0810.60.00 “Quả sầu riêng”. Mặt hàng này có thuế suất xuất khẩu và VAT đều là 0%.
Bộ hồ sơ xuất khẩu
Tờ khai hải quan
Giấy tờ đầu vào hàng hóa (hóa đơn, bảng kê thu mua)
Phiếu đóng gói hàng hóa (Packing List)
Hóa đơn thương mại (Commercial Invoice)
Hợp đồng thương mại (Sales Contract)
Vận đơn (Bill of Lading)
Và một số chứng từ cần có theo yêu cầu của đối tác bên nhập khẩu như:
Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (Certificate of Phytosanitary)
Giấy chứng nhận xuất xứ (Certificate of Origin – CO)
Giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa (Certificate of Quality – CQ)
Giấy chứng nhận hun trùng (Fumigation Certificate)
Giấy chứng nhận y tế (Health Certificate – HC)
Các chứng từ khác (nếu có)
Quy trình xuất khẩu
Bước 1: Tiến hành sắp xếp, đóng hàng vào container. Sau đó, tiến hành làm giấy phép liên quan: Kiểm dịch thực vật, Kiểm tra ATTP,… cho lô hàng.
Bước 2: Thực hiện hun trùng cho toàn bộ container.
Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ, chứng từ làm thủ tục hải quan.
Bước 4: Mở tờ khai hải quan, thông quan lô hàng. Sau đó, chuẩn bị hồ sơ, chứng từ cần thiết gửi cho bên nhập khẩu.