Dự kiến từ ngày 11 đến 12/9/2024, Trung Quốc sẽ kiểm tra trực tuyến mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để hoàn thành việc đăng ký xuất khẩu. Đợt kiểm tra này của Trung Quốc đối với dừa tươi Việt Nam không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội lớn để các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và nông dân nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

ds1f1c3f 1462154965

Dừa tươi Việt xuất khẩu sang 15 nước

Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam, phát biểu tại Hội nghị Triển khai Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu dừa tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết, dừa là cây trồng có thế mạnh và đang mang lại thu nhập cho người dân tại nhiều tỉnh, thành của Việt Nam. Dừa cũng là một trong 6 loại cây được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào đề án và phê duyệt đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. Hiện Việt Nam có 15 tỉnh trồng nhiều dừa với diện tích khoảng 200.000ha dừa, sản lượng đạt 2 triệu tấn. Trong năm 2023, dừa tươi của Việt Nam xuất khẩu sang 15 nước trên thế giới với sản lượng 30.000 tấn và 320.000 tấn các sản phẩm chế biến từ dừa.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu dừa và sản phẩm dừa của Việt Nam năm 2023 đạt hơn 900 triệu USD. Trong đó, các thị trường nhập khẩu dừa tươi của Việt Nam chủ yếu là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu dừa lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 51% tổng kim ngạch xuất khẩu dừa tươi. Ngành dừa Việt Nam hiện đang đứng thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường dừa thế giới.

“Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký nghị định thư cho phép dừa tươi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây vừa là cơ hội để mở rộng thị trường dừa của Việt Nam và là căn cứ pháp lý để chúng ta tổ chức, liên kết lại sản xuất cây trồng này bài bản, hiệu quả hơn”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định.

Thứ trưởng Hoàng Trung thông tin thêm, dự kiến Trung Quốc sẽ kiểm tra trực tuyến mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói từ ngày 11 đến 12/9/2024 để hoàn thành việc đăng ký xuất khẩu. Mỗi ngày có 3 đoàn kiểm tra song song, phía Trung Quốc sẽ lựa chọn ngẫu nhiên 24 vùng trồng và 12 cơ sở đóng gói để kiểm tra. Chính vì vậy, các địa phương, cơ sở đóng gói, vùng trồng của HTX, doanh nghiệp cần bố trí đủ nguồn lực để chuẩn bị tốt cho đợt kiểm tra sắp tới. Doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với HTX có vùng trồng, cơ sở đóng gói để đảm bảo đạt tiêu chuẩn. Để chuẩn bị cho đợt kiểm tra này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu 15 tỉnh, thành đang trồng nhiều dừa cần phải nắm bắt, nghiên cứu kỹ lưỡng và chuẩn bị các vấn đề, tài liệu liên quan theo quy định của nghị định thư đã được ký kết giữa Bộ và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Trong lần kiểm tra này, địa phương, đơn vị nào để xảy ra vi phạm sẽ loại ngay, lần sau đoàn sẽ không kiểm tra và không cho các cơ sở ở nơi đó đăng ký xuất khẩu.

Dừa Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc

Đợt kiểm tra của Trung Quốc đối với dừa tươi Việt Nam không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội lớn để các HTX, doanh nghiệp, và nông dân nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Để thành công, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu kiểm dịch từ phía đối tác, từ đó góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu dừa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo đó, để xuất khẩu được dừa tươi sang Trung Quốc, người dân, địa phương, doanh nghiệp đặc biệt lưu ý dừa tươi của Việt Nam được xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm dừa tươi (cả quả có vỏ xanh và cuống ngắn hơn hoặc bằng 5cm và dừa không có vỏ) phải tuân thủ các luật về kiểm dịch thực vật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến an toàn và vệ sinh thực phẩm của Trung Quốc, không bị nhiễm các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm. Trước khi xuất khẩu, cán bộ kiểm dịch thực vật tiến hành kiểm tra kiểm dịch thực vật, lấy mẫu 2%. Trong thời gian 2 năm đầu tiên, nếu không phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật thì tỷ lệ lấy mẫu sẽ giảm xuống còn 1%. Đặc biệt, dừa của Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc được GACC cho phép nhập khẩu trái cây.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, việc mở cửa được thị trường Trung Quốc cho quả dừa tươi là tín hiệu rất tốt không chỉ cho ngành dừa mà còn giúp người dân tăng thu nhập. Tuy nhiên, tất cả các HTX, doanh nghiệp, nông dân đang sản xuất và kinh doanh dừa cần hết sức chú ý, tập trung cao độ để chuẩn bị tốt nhất những khâu còn lại cho đợt kiểm tra mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói từ phía Trung Quốc. Ngoài chuẩn bị tốt các công tác trong sản xuất thì khâu kinh doanh, lưu thông, vận chuyển hàng hóa đang trong quá trình xuất khẩu cũng cần lưu ý. Phía HTX, doanh nghiệp, nông dân cũng cần kiểm tra, tiếp cận thông tin, chính sách xuất khẩu một cách kịp thời để có kế hoạch phù hợp.

Còn theo ông Phan Đức Tài, Giám đốc HTX trồng dừa Thành Trí (Trà Vinh), để chuẩn bị xuất khẩu dừa tươi trong thời gian tới, HTX đã chủ động hướng dẫn nông dân áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến và nghiên cứu kỹ các điều kiện trong Nghị định thư để đảm bảo đáp ứng mọi tiêu chuẩn xuất khẩu. “HTX không chỉ chú trọng vào khâu sản xuất mà còn tăng cường kiểm tra, cập nhật thông tin và chính sách xuất khẩu để có kế hoạch phù hợp, đảm bảo an toàn và chất lượng sản phẩm. Đây là hướng đi đúng đắn để các HTX và doanh nghiệp ngành dừa không chỉ tận dụng cơ hội từ thị trường Trung Quốc mà còn khẳng định vị thế của dừa Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Phan Đức Tài nhấn mạnh.

(Nguồn: Hải quan online)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *