Theo các chuyên gia, việc thực hiện cam kết ưu đãi thuế trong thực thi hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương (FTA) đã tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), giúp tiếp tục cơ cấu lại nguồn thu bền vững hơn. Tuy nhiên, quá trình thực thi các FTA cũng phát sinh nhiều thách thức, khó khăn tác động mạnh đến phát triển kinh tế.
Tác động nhiều mặt
Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia “Quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong bối cảnh thực thi các FTA: Thực trạng và giải pháp”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng cho biết, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế có độ mở rất lớn với chỉ số kim ngạch XNK so với GDP những năm gần đây luôn ở khoảng 200%.
Tính đến tháng 11/2024, Việt Nam đã ký kết 19 FTA với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có tất cả các nước phát triển, các nước thuộc nền kinh tế mới nổi và các nước trong khu vực, như: AFTA, ACFTA, AKFTA, AJCEP, CPTPP, UKVFTA, RCEP, EVFTA… Đặc biệt, trong những năm gần đây, Việt Nam đã đàm phán ký kết thành công các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và RCEP.
PGS. TS Nguyễn Mạnh Thiều, Phó Giám đốc Học viện Tài chính chia sẻ, việc thực thi các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới đã và sẽ tác động nhiều mặt, cả tích cực và những thách thức đối với nhiều lĩnh vực kinh tế như: thương mại quốc tế, đầu tư trong nước và nước ngoài… Thực tế cho thấy, cùng với quá trình thực thi các FTA thời gian qua, kim ngạch XNK của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng.
Cụ thể, nếu như tổng kim ngạch XNK của Việt Nam từ năm 2002 đến 2012 là 1.036 tỷ USD thì trong giai đoạn từ 2013 đến 2021 đã tăng lên 4.110 tỷ USD, tức là gấp 4 lần của 10 năm trước đó. Kim ngạch XNK năm 2023 là 681,1 tỷ USD, tức là gấp 6 lần so với bình quân năm giai đoạn 2002 – 2012 và tăng khoảng 50% so với bình quân năm của giai đoạn 2013 – 2021. Tổng kim ngạch XNK tính từ đầu năm đến ngày 15/11/2024 đã là 681,14 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023 và vượt tổng kim ngạch XNK của năm 2023, PGS. TS Nguyễn Mạnh Thiều phân tích.
Bên cạnh đó, việc tham gia các FTA đã giúp cho các DN trong nước có cơ hội tiếp cận các nguồn hàng giá rẻ, công nghệ tiên tiến, các yếu tố đầu vào cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh (máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu…) từ các quốc gia phát triển với chất lượng tốt để cải thiện năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, nâng cao cạnh tranh, thúc đẩy mạnh mẽ XK hàng hóa ra thị trường quốc tế, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tác động tích cực là vậy, tuy nhiên theo TS Nguyễn Đình Chiến, Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính, việc ký kết và thực thi các FTA cũng đã mang đến không ít khó khăn trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung cũng như các DN nói riêng. Đáng chú ý, việc thực thi các FTA cũng đặt ra các yêu cầu, đòi hỏi mới đối với công tác quản lý thuế đối với hàng hóa XNK.
Giải pháp đặt ra
Theo Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng, ngày 20/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 624/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030. Trong đó, một trong 6 yêu cầu và quan điểm phát triển Hải quan Việt Nam được đề cập đến là: Phát triển hải quan nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại, chống buôn lậu và gian lận thương mại hiệu quả; thực thi đầy đủ, toàn diện các cam kết quốc tế về thuế XNK, hải quan và tạo thuận lợi thương mại mà Việt Nam đã ký kết; ứng phó hiệu quả với các thay đổi liên quan tới các biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT) với hàng ngàn sàn TMĐT đã làm khối lượng đơn hàng giá trị nhỏ XNK gia tăng ở mức độ vô cùng lớn trong vài năm gần đây. Trong đó, chỉ tính riêng hàng hóa NK từ Trung Quốc về Việt Nam qua sàn TMĐT mỗi ngày trung bình có khoảng 4 đến 5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ. Những điều này tạo ra áp lực và thách thức rất lớn đòi hỏi phải đổi mới toàn diện hoạt động quản lý thuế đối với hàng hóa XNK, cả về phương thức quản lý, công nghệ quản lý và con người thực thi nhiệm vụ quản lý thuế, TS Nguyễn Đình Chiến nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu đầy đủ bối cảnh trong nước và quốc tế có tác động đến các hoạt động XNK hàng hóa, từ đó có biện pháp cụ thể hóa các phương hướng đã được xác định trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030.
TS Nguyễn Đình Chiến đề xuất, đối với các cơ quan quản lý nhà nước, ngoài việc hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng các chính sách cụ thể trong phát triển các ngành nghề liên quan trực tiếp đến hàng hóa XNK… còn phải thường xuyên cập nhật, cung cấp đầy đủ thông tin, hỗ trợ cho cộng đồng DN và các chủ thể có liên quan khác các nội dung liên quan đến thực thi FTA để các DN tận dụng đầy đủ các cơ hội cũng như hạn chế các vướng mắc, rủi ro từ các FTA này.
Đối với cộng đồng DN, TS Nguyễn Đình Chiến cho rằng, giải pháp quan trọng là xây dựng chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp, cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, các tiêu chuẩn kỹ thuật để thúc đẩy xuất khẩu; nắm bắt để tránh và hạn chế các rủi ro khi các nước thành viên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại… Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ giúp cho các DN và hàng hóa Việt Nam tham gia đầy đủ, tận dụng được các ứu đãi trong FTA để thúc đẩy XK, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế bền vững trong điều kiện hội nhập.
Còn theo ThS. Nguyễn Bình An, Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính, Việt Nam đang đối mặt với yêu cầu cấp thiết về cải thiện quản lý thuế, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại nội ngành. Do đó, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và chính sách thuế là yếu tố nền tảng để đảm bảo sự đồng bộ với các cam kết quốc tế. Trong đó, công nghệ hiện đại cần phải đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả và minh bạch của hệ thống quản lý thuế. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý như Hải quan, Thuế và các tổ chức kiểm định, để đảm bảo thực thi nhất quán và hiệu quả các quy định liên quan.
Ở cấp độ quốc tế, Việt Nam nên thúc đẩy hợp tác với các nước đối tác trong FTA nhằm chia sẻ dữ liệu, kinh nghiệm và thiết lập các thỏa thuận phòng chống gian lận thuế. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro trong thương mại và đảm bảo việc áp dụng các ưu đãi thuế quan được thực hiện đúng mục đích. Song song với đó, để hỗ trợ DN trong việc tuân thủ và tận dụng các cam kết từ FTA, Chính phủ cần thiết lập các trung tâm tư vấn chuyên biệt để cung cấp thông tin chi tiết về quy trình kê khai thuế, quy tắc xuất xứ, và các thủ tục liên quan đến hưởng ưu đãi thuế.
(Nguồn: Hải quan Online)