Việc hoàn thiện chính sách quản lý hàng hóa kết hợp với áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý không chỉ giúp ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, giảm thiểu rủi ro từ các vụ kiện chống bán phá giá.

hoat dong nghiep vu tai don vi thuoc cuc hai quan quang ninh anh quang hung 9235

Quy định rõ trách nhiệm phối hợp

Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để ngăn chặn những tổn hại do các hành vi nhập khẩu gây ra đối với hàng hóa sản xuất trong nước đã và đang trở thành xu thế chung của tất cả các quốc gia.

Do đó, các chế định về phòng vệ thương mại đã trở thành nội dung quan trọng trong khuôn khổ pháp luật trong thương mại quốc tế của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nói chung cũng như trong hệ thống luật pháp của từng quốc gia thành viên nói riêng. Trong đó, Luật Phòng vệ thương mại luôn có vị trí quan trọng và được các nước áp dụng khá phổ biến để bảo vệ các sản phẩm ngành sản xuất trong nước trước cạnh tranh không lành mạnh từ hàng hóa nhập khẩu bán phá giá, được trợ cấp hoặc sự gia tăng đột biến từ hàng hóa nhập khẩu.

Liên quan đến chính sách pháp luật về phòng vệ thương mại, Nghị định số 10/2018/NĐ-CP sau gần 7 năm thực thi đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm thay thế Nghị định số 10/2018/NĐ-CP, hoàn thiện pháp luật phòng vệ thương mại, bảo vệ sản xuất hàng hóa trong nước.

Góp ý vào dự thảo nghị định, Bộ Tài chính nêu các ý kiến xung quanh vấn đề quyền hạn và trách nhiệm của Bộ Tài chính như: trách nhiệm phối hợp trong quá trình điều tra áp dụng và rà soát việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; việc phối hợp xác minh tính xác thực, hợp lệ của Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất, xuất khẩu; trách nhiệm của cơ quan Hải quan trong trường hợp Bộ Công Thương áp dụng biện pháp tự vệ dưới hình thức hạn ngạch nhập khẩu và hạn ngạch thuế quan…

Liên quan đến trách nhiệm phối hợp trong quá trình điều tra áp dụng và rà soát việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, theo Bộ Tài chính, tại Điều 18 dự thảo Nghị định quy định trách nhiệm của cơ quan Hải quan trong việc cung cấp số liệu, thông tin về số lượng, khối lượng, trị giá, số thuế phòng vệ thương mại của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cho cơ quan điều tra liên quan đến việc điều tra, áp dụng và xử lý các biện pháp phòng vệ thương mại.

Tuy nhiên, hiện hoạt động phối hợp này chỉ giới hạn ở việc cung cấp thông tin, số liệu, không bao gồm hoạt động phối hợp với cơ quan điều tra trong việc trực tiếp điều tra, xác minh các thông tin liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp.

Trên thực tế, cơ quan Hải quan là lực lượng trực tiếp giải quyết thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và triển khai áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; có khả năng nắm bắt tình hình và mức độ tuân thủ của doanh nghiệp trong việc thực hiện các quyết định của Bộ Công Thương về việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, cũng như phương thức doanh nghiệp thường thực hiện để lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.

Do vậy, theo Bộ Tài chính, để đảm bảo tính toàn diện, khách quan, minh bạch của các quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và quyết định áp dụng chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, cơ quan soạn thảo cần xem xét, nghiên cứu bổ sung tại điểm c khoản 1 Điều 18 dự thảo Nghị định quy định về trách nhiệm phối hợp của cơ quan Hải quan theo hướng:

“c) Phối hợp với Cơ quan điều tra trực tiếp tiến hành điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, rà soát việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, rà soát việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương”.

Đảm bảo quản lý và thời gian làm thủ tục

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng góp ý với nội dung phối hợp xác minh tính xác thực, hợp lệ của Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất, xuất khẩu. Dự thảo Nghị định hiện quy định về việc cơ quan Hải quan xác minh tính xác thực, hợp lệ của Giấy chứng nhận của nhà sản xuất, xuất khẩu của hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại tại khoản 4, 5 Điều 96 dự thảo Nghị định.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi trong quá trình cơ quan Hải quan tiến hành xác minh và không ảnh hưởng đến thời gian giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa nhập khẩu, Bộ Tài chính đề nghị cơ quan soạn thảo xây dựng quy định theo hướng:

“4. Trường hợp có cơ sở nghi ngờ về tính xác thực, hợp lệ của Giấy chứng nhận chất lượng do doanh nghiệp nhập khẩu nộp, Tổng cục Hải quan phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) xác minh tính xác thực, hợp lệ của Giấy chứng nhận chất lượng này theo thẩm quyền và quy định pháp luật.

5.Trong thời gian Cục Phòng vệ thương mại tiến hành xác minh, nếu doanh nghiệp nhập khẩu đề nghị được thông quan, giải phóng hàng thì hàng hóa tạm thời áp dụng mức thuế chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương đối với các lô hàng đã thông quan. Sau khi có kết quả xác minh của Bộ Công Thương, cơ quan Hải quan thực hiện thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành”.

Ngoài ra, để đảm bảo tính đồng bộ, tránh vướng mắc trong quá trình thực thi, Bộ Tài chính cũng đề nghị bổ sung quy định về việc cơ quan Hải quan tiến hành xác minh tính xác thực, hợp lệ của Giấy chứng nhận chất lượng do doanh nghiệp nhập khẩu nộp đối với hàng hóa là đối tượng của các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và biện pháp tự vệ tương tự như quy định đối với hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng biện pháp chống trợ cấp.

(Nguồn: Hải quan)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *