Phát biểu tại hội thảo khoa học quốc gia “Quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong bối cảnh thực thi các FTA: Thực trạng và giải pháp”, ông Vũ Văn Hải, Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ngãi cho biết, đơn vị đang gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý thuế đối với mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu.

hqqngai20231117160249

Thực tế tại Quảng Ngãi

Theo cục Hải quan Quảng Ngãi, trong cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) trên địa bàn quản lý của Hải quan Quảng Ngãi, mặt hàng dăm gỗ XK chiếm tỷ lệ lớn trên tổng khối lượng hàng hóa làm thủ tục hải quan XK. Điển hình như năm 2020 kim ngạch mặt hàng dăm gỗ XK đạt 420,83 triệu USD chiếm 23,3% tổng kim ngạch hàng XK qua địa bàn quản lý.

Số thu thuế mặt hàng dăm gỗ các năm qua chiếm số thu thuế XK chủ yếu tại đơn vị, đóng góp một phần quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) tại Hải quan Quảng Ngãi. Do đó, quản lý tốt công tác thu thuế đối với mặt hàng dăm gỗ XK là nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý thuế của đơn vị.

Hiện tại cảng biển Dung Quất có một số lô hàng dăm gỗ XK vào thị trường các nước như Nhật Bản, Singapore theo quy định tại Hiệp định CPTPP, có chứng từ vận tải (bản chụp) thể hiện đích đến thuộc lãnh thổ các nước nêu trên, có tờ khai hải quan NK của lô hàng XK từ Việt Nam NK vào lãnh thổ các nước này (bản chụp và bản dịch tiếng Anh hoặc tiếng Việt trong trường hợp ngôn ngữ sử dụng trên tờ khai không phải là tiếng Anh).

Tại thời điểm làm thủ tục hải quan, người khai hải quan thực hiện khai tờ khai XK, áp dụng thuế suất thuế XK, tính thuế và nộp thuế theo Biểu thuế XK theo Danh mục mặt hàng chịu thuế tại Nghị định 26/2023/NĐ-CP về Biểu thuế XK, Biểu thuế NK ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế NK ngoài hạn ngạch thuế quan.

Theo đó, trong thời hạn 1 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai XK, người khai hải quan nộp đầy đủ chứng từ chứng minh hàng hóa thỏa mãn quy định và thực hiện khai bổ sung để áp dụng mức thuế suất thuế XK ưu đãi theo Hiệp định CPTPP, cơ quan Hải quan trên cơ sở đó hoàn lại số tiền thuế nộp thừa cho DN theo quy định.

Qua các năm, số tiền hoàn thuế do áp dụng thuế suất XK ưu đãi thực hiện Hiệp định CPTPP chiếm tỷ lệ cao là dấu hiệu cho thấy DN đã khai thác hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng XK, phát triển thị trường quốc tế khi nước ta tham gia Hiệp định thương mại. Thống kê năm 2020, số tiền thuế hoàn mặt hàng dăm gỗ theo Hiệp định CPTPP là 35.948 tỷ đồng, năm 2021 là 46.976 tỷ đồng, chiếm tới 86% tổng số tiền hoàn (53.971 tỷ đồng); năm 2022 là 46.356 tỷ đồng, năm 2023 là 48.511 tỷ đồng, chiếm 70% tổng số tiền hoàn qua địa bàn (69.328 tỷ đồng) và 6 tháng đầu năm 2024 là 15.111 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ tới 50% tổng số các mặt hàng XK được hoàn (29.986 tỷ đồng).

Hạn chế và giải pháp

Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, theo ông Vũ Văn Hải, vẫn còn một số DN khai báo giá trị XK thấp hơn thực tế nhằm giảm nghĩa vụ thuế. Mặc dù hiện tại, gần như toàn bộ mặt hàng dăm gỗ XK phải tham vấn hoặc giải trình, chứng minh trị giá khai báo. Tuy nhiên, kết quả tham vấn hoặc giải trình, chứng minh trị giá khai báo của các lô hàng đều chưa đủ cơ sở để bác bỏ trị giá khai báo, chấp nhận trị giá khai báo. Ngay cả các cuộc thanh tra, kiểm tra sau thông quan tại đơn vị, thông qua nhiều nghiệp vụ như kiểm tra hồ sơ, sổ sách, chứng từ kế toán, xác minh tại ngân hàng cũng chưa phát hiện vi phạm liên quan đến việc khai sai trị giá hải quan đối với hàng rời, hàng xá XK.

Như vậy, việc kiểm tra trị giá trong thông quan đối với các mặt hàng này hầu như không mang lại hiệu quả mà lại phát sinh thủ tục hành chính, làm tăng chi phí, thời gian cho DN và cả cơ quan Hải quan.

Ngoài ra, Hải quan Quảng Ngãi cũng gặp khó trong kiểm soát, xác minh nguồn gốc nguyên liệu (rừng trồng hay tự nhiên) chưa được thực hiện đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong áp dụng thuế và chính sách ưu đãi. Ngoài ra, một số DN sử dụng các thủ đoạn gian lận, như khai báo sai mã số HS hoặc XK qua đường biên giới để tránh thuế.

Đáng chú ý, mặt hàng dăm gỗ XK chịu ảnh hưởng bởi lạm phát ở mức cao, đặc biệt thấy rõ trong năm 2023 người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu làm giảm nhu cầu nhập khẩu tại nhiều thị trường tiêu thụ sản phẩm dăm gỗ, làm giảm số lượng XK mặt hàng này hơn 73% so với các năm 2023. Bên cạnh đó, Hiệp định CPTPP có hiệu lực đã ảnh hưởng rất lớn đến số thu NSNN từ mặt hàng dăm gỗ XK do thực hiện hoàn thuế khi XK dăm gỗ vào thị trường các nước theo Hiệp định CPTPP.

Điển hình, đối với các lô hàng dăm gỗ XK qua cảng biển Dung Quất sang Singapore, Nhật Bản là thành viên của Hiệp định CPTPP. Điều kiện, thủ tục áp dụng thuế suất thuế XK ưu đãi thực hiện Hiệp định CPTPP quy định tại Nghị định 115/2022/NĐ-CP tương đối đơn giản, thuận lợi cho DN trong việc khai báo, sửa đổi bổ sung, hoàn thuế… Tuy nhiên, cơ quan quản lý chưa có hệ thống tra cứu để xác định tính chính xác, hợp pháp của các chứng từ này. Ví dụ như tờ khai NK vào lãnh thổ các nước thành viên bị hủy sau thông quan thì chúng ta cũng khó có thể nắm bắt được thông tin.

Trong khi đó, tại Cục Hải quan Quảng Ngãi không có tổ chức Chi cục kiểm tra sau thông quan, công tác kiểm tra sau thông quan do Phòng Nghiệp vụ và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Dung Quất tổ chức triển khai thực hiện.

Trước vấn đề đó, Hải quan Quảng Ngãi đã triển khai giải pháp tăng cường kiểm soát khai báo thuế; kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu thông qua cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin với các nước thành viên của Hiệp định CPTPP, yêu cầu các DN XK cung cấp giấy chứng nhận nguồn gốc gỗ hợp pháp, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với gỗ nguyên liệu; áp dụng đồng bộ các giải pháp chống gian lận thương mại; xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông giữa các cơ quan chức năng nhằm theo dõi và phát hiện hành vi gian lận mã số HS hoặc XK không khai báo; tăng cường xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm về thuế và hải quan, công tác kiểm tra sau thông quan trong việc thu thập thông tin, phân tích rủi ro, tiến hành kiểm tra sổ sách chứng từ kế toán liên quan nhằm xác định dấu hiệu vi phạm (nếu có) kịp thời để tránh thất thu NSNN.

Cục Hải quan Quảng Ngãi cũng tích cực đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho công chức về các quy định mới liên quan đến quản lý thuế đối với mặt hàng XK; đào tạo kiến thức chuyên môn nghiệp vụ hải quan, kiến thức quản lý, kỹ năng phụ trợ và định kỳ đánh giá công chức để tạo phong trào, động lực nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; đào tạo kiến thức chuyên sâu về các FTA cho công chức Hải quan.

 

(Nguồn: Hải quan Online)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *