Theo TS. Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam, việc chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% sẽ góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước thông qua các khoản thu thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.

66
TS. Phùng Hà

Xin cho biết đánh giá về chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón thời gian qua?

Theo khoản 1 Điều 3 của Luật Thuế số 71/2014/QH13, phân bón, máy móc thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp,… là những mặt hàng không chịu GTGT, có nghĩa là các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón.

Lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón sụt giảm đáng kể do chuyển mặt hàng phân bón từ diện áp dụng thuế GTGT 5% sang không chịu thuế GTGT, dẫn đến toàn bộ thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón không được khấu trừ và phải hạch toán vào chi phí.

Tại khoản 3a Điều 5 Luật thuế GTGT hiện hành quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Trong quá trình thực hiện quy định nêu trên, các DN sản xuất phân bón đã kiến nghị sửa đổi quy định này do DN không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Khó khăn về nguồn vốn nên DN không chủ động trong đầu tư, mở rộng sản xuất.

Cùng với kiến nghị của DN, Bộ Công thương đã kiến nghị, Hiệp hội phân bón cũng phản ánh khó khăn của DN sản xuất phân bón và đề nghị chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5%. Lãnh đạo Chính phủ cũng có nhiều văn bản chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi chính sách thuế GTGT để tháo gỡ khó khăn cho dự án sản xuất phân bón. Đồng thời, kinh nghiệm quốc tế cho thấy mặt hàng phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp nên chính sách thuế GTGT của nhiều nước được thiết kế theo hướng ưu đãi hơn so với các mặt hàng thông thường khác.

Do đó, để vừa thúc đẩy ngành sản xuất phân bón trong nước cạnh tranh được với phân bón nhập khẩu vừa thực hiện mục tiêu thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT, Chính phủ trình Quốc hội quy định áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 5% đối với phân bón tại điểm b khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật.

Từ đó đến nay, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã kiên trì kiến nghị với các cơ quan có liên quan như Quốc hội, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương… đề nghị chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang chịu thuế 5%.

Thực tế thời gian qua cho thấy, việc không áp thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón đã làm ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh, khả năng đầu tư các dự án phân bón mới.

Ông có thể nói rõ hơn những tác động bất lợi đối với DN phân bón trong nước khi thực hiện quy định không áp thuế GTGT đối với phân bón theo Luật thuế GTGT hiện hành?

Về tác động của quy định này tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, các đơn vị thành viên của Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã có số liệu tổng hợp gửi về cho Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Phân bón.

Tôi lấy đơn cử trường hợp của thành viên Hiệp hội là Tổng công ty Phân bón Dầu khí, trong giai đoạn 2015-2020, số tiền thuế GTGT mà DN không nhận được của giá trị vật tư đầu vào, các dịch vụ… dao động khoảng từ 350-550 tỷ đồng.

Riêng trường hợp của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, theo tính toán của DN, mỗi năm số thuế GTGT không được hoàn khoảng từ 600-800 tỷ đồng. Theo số liệu từ Hiệp hội phân bón, từ năm 2015 tới năm 2020, toàn ngành phân bón không nhận lại được số thuế GTGT là khoảng 10.000 tỷ đồng.

Bên cạnh tác động đến sản xuất, việc không áp thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón cũng tác động tới khả năng cạnh tranh của DN phân bón trong nước trong tương quan với phân bón nhập khẩu và việc đầu tư các dự án mới.

Mặc dù hiện nay chúng ta đã sản xuất được khoảng 6,5 – 7 triệu tấn phân bón mỗi năm, nhưng theo đánh giá, công nghệ sản xuất phân bón đều đang ở mức trung bình, hầu hết các loại phân bón đều là loại phân bón truyền thống, trừ một vài dự án mới. Ví dụ như dự án NPK phân bón hóa học của Đạm Phú Mỹ.

Hiện nay, để thực hiện net zero vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ thì phân bón đóng vai trò rất quan trọng vì nông nghiệp là ngành đứng thứ hai về khí phát thải nhà kính.

Còn trong ngành công nghiệp ở Việt Nam, ngành phân bón cũng chiếm khoảng 15-20%, do đó, muốn giảm phát thải nhà kính, chúng ta phải khuyến khích các DN đầu tư sản xuất phân bón thế hệ mới, phân bón đa chức năng.

Như tôi đã từng nói, trước năm 2014, trong vòng khoảng 10 năm, chúng ta đầu tư các dự án phân bón với tổng công suất 3,5 triệu tấn, nhưng sau năm 2014, mức đầu tư mới chỉ khoảng 350 nghìn tấn.

Ông có khuyến nghị gì liên quan đến thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón?

Chúng tôi hy vọng Quốc hội sẽ thông qua Luật thuế GTGT sửa đổi, theo đó sẽ chuyển phân bón từ mặt hàng không chịu thuế GTGT sang mặt hàng chịu thuế GTGT ở mức 5%.

Trong trường hợp nếu không được thông qua thì những bất cập như tôi nói ở trên vẫn tồn tại. Tôi cho rằng, bất kể một chính sách nào nói chung và thuế nói riêng có liên quan tới lợi ích của nhiều bên khó có thể mang lại lợi ích một lúc cho toàn bộ các bên, quan trọng là dựa trên lợi ích lâu dài, lợi ích tổng thể và khả năng của các cơ quan quản lý điều hòa lợi ích của các bên có liên quan.

Nhìn một cách tổng thể đối với lợi ích xã hội, việc chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% sẽ góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước thông qua các khoản thu thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.

(Nguồn: Hải quan Online)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *