Việc đẩy mạnh đàm phán các cam kết về hải quan trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đóng vai trò quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Những cam kết này không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình thông quan hàng hóa mà còn giảm thiểu chi phí, rủi ro cho doanh nghiệp, mở ra cơ hội lớn để hàng Việt tiếp cận sâu hơn vào thị trường quốc tế.
Tích cực tham gia đàm phán các quy định liên quan đến hải quan
Theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2024, thực hiện yêu cầu của cơ quan đầu mối quốc gia về đàm phán các FTA -Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan tiếp tục là đầu mối chủ trì tham gia đàm phán Chương Hải quan và Tạo thuận lợi thương mại trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do.
Chẳng hạn, Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Canada (ACaFTA) (Chương Thủ tục Hải quan và Tạo thuận lợi thương mại – CPTF) được khởi động đàm phán từ tháng 8/2022. Đến nay, Nhóm CPTF đã đàm phán được 9 phiên, thống nhất được 15/22 Điều, cụ thể gồm: mục tiêu và nguyên tắc, phạm vi, áp dụng nhất quán, thủ tục hải quan và kiểm soát hải quan, xử lý trước khi hàng đến, quản lý rủi ro, trị giá hải quan, kiểm tra sau thông quan, lô hàng chuyển phát nhanh, hợp tác hải quan, các điểm hỏi đáp, tham vấn, đại lý hải quan, chuẩn mực hành vi.
Ngoài việc tham gia đàm phán, Việt Nam cũng đảm nhận vai trò Chủ tọa các Phiên đàm phán nội bộ trong ASEAN và đồng Chủ tọa các Phiên đàm phán giữa ASEAN và Canada, đồng thời tham gia ý kiến đối với một số nội dung có liên quan thuộc Chương các Điều khoản chung và Ngoại lệ của Hiệp định. Dự kiến, Hiệp định ACaFTA sẽ kết thúc đàm phán vào năm 2025.
Hay Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN nâng cấp (ATIGA) (Chương Thủ tục Hải quan và tạo thuận lợi thương mại – CPTF), sau phiên thứ 7, Nhóm CPTF đã thống nhất được 17 Điều trên tổng số 22 Điều và dự kiến sẽ hoàn thành đàm phán trong năm 2024. Các nội dung còn lại cần tiếp tục đàm phán chủ yếu liên quan đến các sáng kiến hợp tác đang được triển khai trong ASEAN như thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên, trao đổi chứng nhận điện tử qua Một cửa ASEAN, quá cảnh hải quan.
Đối với Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc nâng cấp (ACFTA) (Chương Thủ tục Hải quan và Tạo thuận lợi thương mại – CPTF), từ khi khởi động đàm phán nâng cấp vào tháng 1/2023 đến nay đã diễn ra 4 phiên đàm phán nội bộ và 3 phiên đàm phán toàn thể. Hiện Nhóm CPTF đã thống nhất được 5 Điều trên tổng số 26 Điều khoản.
Với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Việt Nam – UAE (CEPA) (Chương Thủ tục Hải quan và Tạo thuận lợi thương mại), đã hoàn thành việc đàm phán và rà soát pháp lý vào tháng 9/2024 và Hiệp định đã được ký kết vào ngày 28/10/2024.
Tạo thuận lợi về thủ tục hải quan
Bên cạnh việc đẩy mạnh đàm phán các cam kết về hải quan trong khuôn khổ các FTA đang đàm phán, Tổng cục Hải quan tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các cam kết trong các FTA đã ký kết, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, UKVFTA, hoàn tất đưa vào thực thi FTA với Israel.
Điểm nổi bật nhất của các FTA thế hệ mới liên quan đến thủ tục hải quan là doanh nghiệp được phát hành chứng từ tự chứng nhận cho hàng hóa để hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt, thay vì cơ chế C/O được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền như trước đây.
Từ quy định trên tại các FTA, Thông tư số 33/2023/TT-BTC ngày 31/5/2023 đã quy định về cách thức quản lý kiểm tra chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho các doanh nghiệp được cấp mã nhà xuất khẩu đủ điều kiện, như: mã REX (Hiệp định EVFTA), mã EORI (UKVFTA), CE (Hiệp định ATIGA sửa đổi và Hiệp định RCEP)…
Các FTA thế hệ mới không quy định thời điểm nộp tại thời điểm làm thủ tục mà cho phép doanh nghiệp nộp trong thời điểm hiệu lực của C/O. Từ lợi thế trên tại các FTA, Thông tư mới đã quy định việc doanh nghiệp nộp thời điểm nào sẽ hưởng ưu đãi thời điểm đó mà không phải khai chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi chưa nộp tại thời điểm làm thủ tục hải quan, đồng thời chấp nhận chứng từ được nộp dưới dạng bản scan, điện tử không yêu cầu bản chính, mà doanh nghiệp tự lưu và xuất trình cho cơ quan Hải quan khi thực hiện kiểm tra, thanh tra.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã tích cực phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng các văn bản pháp luật để đưa vào Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Israel (VIFTA) có hiệu lực. Hiện tại, Hiệp định này đã có hiệu lực từ ngày 15/10/2024.
Song song, cơ quan Hải quan đã và đang thực hiện tốt công tác chống gian lận xuất xứ hàng hóa, phòng vệ thương mại để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước, cũng như phù hợp với các cam kết quốc tế.
(Nguồn: Hải quan Online)