Để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, đồng thời đảm bảo thu đủ thuế, công bằng với sản xuất trong nước, khuyến khích tiêu dùng hàng sản xuất trong nước, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg về mức giá trị hàng hóa NK gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.
Đảm bảo thu đủ thuế, bao quát toàn bộ các nguồn thu
Bộ Tài chính cho biết, nhằm đơn giản thủ tục hải quan và thực hiện cam kết quốc tế, năm 2010, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định về định mức hàng hóa NK gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế (nay là Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg). Tuy nhiên, đến nay, chính sách này không còn phù hợp do thương mại điện tử (TMĐT) thế giới cũng như tại Việt Nam đã và đang tăng trưởng rất nhanh qua các năm. Hàng ngày có khoảng 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn TMĐT.
Một thông tin quan trọng được quyết định tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV vừa diễn ra là việc Quốc hội yêu cầu khẩn trương ban hành Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hoá XK, NK giao dịch qua kênh thương mại điện tử (TMĐT), bảo đảm không cho phép miễn thuế NK đối với hàng giá trị nhỏ, làm cơ sở cho cơ quan quản lý thuế có căn cứ pháp lý và chế tài quản lý thu đối với các sàn TMĐT nước ngoài bán hàng hoá vào Việt Nam. Trước mắt chấm dứt ngay hiệu lực của Quyết định 78/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. |
Về thủ tục hải quan, hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM) tiếp tục được triển khai hiệu quả, góp phần đơn giản hoá thủ tục đưa hàng hoá khỏi kho, bãi, cảng, giảm sự tiếp xúc giữa cơ quan Hải quan và DN, giảm thời gian đi lại của người dân, khắc phục tình trạng ùn tắc tại cổng cảng, kho, bãi. Sự phát triển và hoàn thiện của hệ thống khai hải quan điện tử nêu trên đã giúp thông quan hàng hóa nhanh chóng và tạo thuận lợi cho việc quản lý tờ khai hàng hóa hàng ngày với số lượng lớn mà không làm gián đoạn hoạt động thương mại. Việc quản lý và thu thuế đối với hàng hóa NK gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được tiến hành tập trung và nhanh chóng hơn nhiều so với trước đây.
Cũng theo Bộ Tài chính, nhiều quốc gia, khu vực đã xóa bỏ quy định miễn thuế GTGT với các lô hàng NK giá trị nhỏ. Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng cùng một chủng loại hàng hóa nhưng hàng hóa sản xuất trong nước vẫn phải nộp thuế GTGT nên việc miễn thuế GTGT đối với hàng hóa NK qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị nhỏ vô hình chung đã tạo sự chênh lệch giá dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng với hàng hóa cùng chủng loại sản xuất trong nước, từ đó ảnh hưởng đến việc sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trong nước…
Để đảm bảo tính đồng bộ của chính sách thuế và thông lệ quốc tế đối với hàng hóa NK gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị nhỏ, thực hiện đúng chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, đồng thời đảm bảo thu đủ thuế, đảm bảo công bằng với sản xuất trong nước, khuyến khích tiêu dùng hàng sản xuất trong nước, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg mà không chờ vào tiến độ ban hành Nghị định TMĐT.
Theo đó, từ ngày Quyết định bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg có hiệu lực sẽ không áp dụng chính sách miễn thuế GTGT đối với hàng có giá trị nhỏ qua đường chuyển phát nhanh để đồng bộ với Luật Thuế GTGT, riêng chính sách miễn thuế NK với hàng có giá trị nhỏ vẫn được thực hiện như hiện hành theo quy định tại Luật thuế XK, thuế NK và Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật này.
Miễn thuế dẫn đến không thu được một lượng thuế khá lớn
Trước đó, tại phiên thảo luận về Luật Thuế GTGT sửa đổi trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, các đại biểu cũng bày tỏ sự đồng tình cần thiết phải bỏ Quyết định 78/QĐ-TTg. Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, đoàn Nghệ An, với khoảng từ 4-5 triệu đơn hàng TMĐT giá trị nhỏ được vận chuyển qua biên giới về Việt Nam mỗi ngày, trung bình mỗi đơn hàng có giá trị khoảng 200.000 đồng thì tổng giá trị hàng hóa NK hằng ngày lên đến khoảng 800 tỷ đồng. Như vậy, tổng lượng hàng hóa NK theo hình thức này chiếm một khối lượng rất lớn, nếu miễn thuế sẽ dẫn đến việc không thu được một lượng thuế khá lớn, chưa kể tình trạng xé nhỏ giá trị đơn hàng để tránh thuế.
Bên cạnh đó, việc miễn thuế hàng hóa NK có giá trị nhỏ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất và ngành bán lẻ trong nước do hàng hóa NK được hưởng nhiều lợi thế lớn. Việc miễn thuế đối với các hàng hóa NK có giá trị nhỏ chủ yếu để đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tuy nhiên, với việc áp dụng CNTT thì hiện nay việc thực hiện thủ tục hải quan và thu thuế cũng đã giảm bớt thời gian và các thủ tục rườm rà khác.
“Nhiều nước trên thế giới đã bỏ quy định miễn thuế đối với hàng hóa có giá trị nhỏ được NK qua các sàn TMĐT. Trước đây, Liên minh Châu Âu đã cho miễn thuế với các giao dịch có giá trị dưới 150 euro qua biên giới nhưng từ ngày 1/7/2021 thì quy định này đã bị bãi bỏ nhằm giảm thất thu thuế từ TMĐT và bảo đảm sự công bằng trong lĩnh vực kinh doanh. Các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia cũng đã có những bước đi tương tự. Vì vậy, chúng tôi đề nghị không miễn thuế đối với hàng hóa NK có giá trị nhỏ qua các sàn TMĐT. Hiện nay luật hiện hành và dự thảo Luật cũng không quy định về vấn đề này nhưng việc miễn thuế đang được thực hiện theo Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg. Đây là điểm chưa phù hợp với chính sách do luật định. Vì vậy, đề nghị cần quy định rõ trong Nghị quyết chung của kỳ họp lần này về việc cần sớm chấm dứt Quyết định 78”, đại biểu khuyến nghị.
Mới đây, tại Diễn đàn Tài chính ngày 29/11/2024, khuyến nghị một số chính sách thuế NK, ông Trần Quốc Khánh, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, để ứng phó với luồng hàng hoá NK giá rẻ, chúng ta có thể bãi bỏ ngay Quyết định 78 mà không cần chờ Luật thuế GTGT (sửa đổi) có hiệu lực. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đang tiến hành xây dựng nghị định về một quy trình riêng áp dụng cho hàng nhập khẩu qua TMĐT, vậy nên việc áp dụng sớm quy trình này để bảo đảm thu đúng, thu đủ thuế cũng như là tránh sự cạnh tranh bất công từ bên ngoài.
(Nguồn: Hải quan Online)