Báo cáo Logistics Việt Nam 2024 với chủ đề Khu thương mại tự do vừa được Bộ Công Thương phát hành đã phác thảo bức tranh toàn cảnh về ngành logistics Việt Nam.

Bức tranh toàn cảnh logistics Việt Nam

Thực hiện Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 và Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200, bắt đầu từ năm 2017, Bộ Công Thương phối hợp cùng các chuyên gia logistics xây dựng Báo cáo Logistics Việt Nam thường niên nhằm rà soát, đánh giá, cung cấp thông tin về tình hình, triển vọng logistics Việt Nam và quốc tế và các quy định chính sách liên quan… góp phần phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp, công tác nghiên cứu khoa học và truyền thông trong lĩnh vực logistics.

42

Bộ Công Thương cho hay, năm 2024, kinh tế thế giới tăng trưởng tích cực nhờ nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, áp lực lạm phát giảm dần, giá trung bình của hàng hóa giảm nhờ nguồn cung được cải thiện,…

43
Logistics đóng vai trò quan trọng với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam

Tuy nhiên, thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro, bất ổn, tác động tiêu cực đến tăng trưởng bền vững. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, gia tăng căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự leo thang ở một số quốc gia làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương, cản trở đầu tư, gây bất ổn cho cả sản xuất và tiêu dùng, đồng thời làm tăng biến động tài chính.

Bên cạnh đó, tần suất và mức độ nghiêm trọng của thiên tai ngày càng tăng do biến đổi khí hậu đe dọa đến an ninh lương thực, an ninh năng lượng, bất ổn xã hội… ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, tác động trực tiếp đến sự phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam.

Điểm nổi bật của ngành logistics năm 2024 là hệ thống kết cấu hạ tầng logistics tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển mạnh mẽ theo hướng hiện đại, an toàn, nhiều công trình đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, mạng lưới giao thông đã kết nối đến mọi vùng, miền trong cả nước, giúp giảm chi phí logistics và thời gian giao hàng. Nhiều chính sách mới được ban hành, các thủ tục được điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; công tác thông tin, tuyên truyền và các hoạt động nghiên cứu, xúc tiến, hợp tác quốc tế về logistics diễn ra sôi nổi, rộng khắp ở cả cấp trung ương và địa phương. Vấn đề sản xuất thân thiện môi trường và phát triển bền vững được quan tâm ở cả cấp quản lý vĩ mô và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành logistics Việt Nam còn nhiều khó khăn như: Cơ cấu vận tải hàng hóa phụ thuộc nhiều vào vận tải đường bộ là một trong những nguyên nhân dẫn đến chi phí logistics cao, làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam; phát triển logistics ở nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn do hạn chế về cơ sở hạ tầng; thiếu hụt nhân sự có chuyên môn kỹ thuật cao; ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số chưa toàn diện; công tác thông tin, số liệu về logistics chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ điều hành, hoạch định chính sách của cơ quan quản lý cũng như xây dựng chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp; chưa tận dụng hết tiềm năng của các khu thương mại tự do.

Bước sang năm 2025, cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội, doanh nghiệp cần tập trung vào một số hoạt động sau: Tập trung hoàn thiện và triển khai Chiến lược tổng thể phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ nêu tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017, Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 và Quyết định số 708/QĐ-BCT ngày 26/3/2019 tại các bộ, ngành, địa phương. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cắt giảm hoặc đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến logistics, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng trong việc xử lý các vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Huy động nguồn lực, tập trung tháo gỡ khó khăn, triển khai các dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải. Nâng cao chất lượng đầu tư phát triển và kết nối hạ tầng logistics làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực logistics, tận dụng cơ hội từ các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Tận dụng làn sóng chuyển dịch đầu tư để thu hút đầu tư phát triển các trung tâm logistics, đặc biệt là trung tâm logistics ứng dụng công nghệ cao.

Phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, công nghệ thông tin. Chú trọng bồi dưỡng nhân lực quản lý cấp cao có tầm nhìn chiến lược, có hiểu biết sâu, rộng về ngành, nắm bắt kịp thời các xu thế phát triển của thế giới.

Triển khai thu thập, tổng hợp và công bố hệ thống cơ sở dữ liệu ngành logistics đầy đủ, chính xác, cập nhật làm cơ sở cho công tác điều hành, hoạch định chính sách của cơ quan nhà nước trung ương và địa phương; là căn cứ cho các quyết định kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cho ngành logistics.

Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ sẽ đem lại giá trị giá tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin… Phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Khu thương mại tự do – điểm nhấn cho phát triển ngành logistics

Ngày 26/6/2024, Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng. Theo đó, Quốc hội đồng ý thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng biển Liên Chiểu, với mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.

Cùng với đó, khu thương mại tự do cũng được đề xuất trong quy hoạch của nhiều tỉnh, thành. Với sự xuất hiện của các khu thương mại tự do, Việt Nam không chỉ tăng cường năng lực cạnh tranh trong khu vực mà còn hứa hẹn trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết và thực thi ngày càng nhiều.

Bên cạnh cung cấp thông tin về tình hình phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam trong năm vừa qua, Báo cáo Logistics Việt Nam 2024 với chủ đề “Khu thương mại tự do” tập trung phân tích tầm quan trọng và tiềm năng của các FTZ đối với sự phát triển của ngành logistics, đồng thời đưa ra các nhận định và khuyến nghị về chiến lược phát triển bền vững. Báo cáo cũng sẽ đánh giá các mô hình phát triển FTZ thành công trên thế giới, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và gợi mở các chính sách phù hợp cho Việt Nam trong thời gian tới.

(Nguồn: Bộ Công Thương)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *