Tại phiên thảo luận tổ theo chương trình Kỳ họp thứ 8 vào ngày 22/11/2024, các đại biểu Quốc hội đều cơ bản tán thành với những sửa đổi, bổ sung tại dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

32
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ ngày 22/11/2024

Nhiều tác hại từ thuốc lá, bia, rượu

Về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đã bày tỏ nhất trí với tờ trình và dự thảo Luật của Chính phủ, qua đó giúp sớm hoàn thiện và cập nhật thực hiện các chủ trương của Đảng, chủ trương cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 của Việt Nam, thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện cũng như phát huy vai trò của Nhà nước nhằm điều tiết sản xuất, tiêu dùng cũng như góp phần tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Đại biểu nhấn mạnh, Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt là nội dung quan trọng bởi thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ hữu hiệu của điều hành kinh tế, có tác động sâu, rộng tới đời sống của người dân, doanh nghiệp và sức khỏe của nền kinh tế, nguồn thu ngân sách.

Cụ thể, đại biểu nhất trí với việc tăng thuế một số mặt hàng nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng của người dân, trong đó có mặt hàng rượu, bia, thuốc lá, phù hợp với các quy định hiện hành.

Theo đại biểu, việc tăng thuế sẽ góp phần đạt được mục tiêu kép khi tăng giá bán làm hạn chế tiêu dùng, đảm bảo sức khoẻ cộng đồng, an sinh xã hội, đồng thời góp phần tăng thu NSNN, kiểm soát hàng nhập lậu, sản xuất bất hợp pháp.

Tuy nhiên, ý kiến một số đại biểu Quốc hội cho rằng, việc tăng thuế cần xây dựng lộ trình phù hợp, tránh tăng sốc, nhất là cho các doanh nghiệp trong nước có thời gian chuẩn bị, thay đổi cơ cấu sản xuất.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đề nghị nghiên cứu lộ trình phù hợp với mặt hàng thuốc lá, rượu, bia để giảm bớt ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đồng thời kết hợp với đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu để đảm bảo thị trường trong nước được cạnh tranh bình đẳng.

31
Đánh thuế để góp phần giảm tiêu thụ sản phẩm rượu, bia

Hiện trong Dự thảo, Chính phủ đang nghiêng về phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên 80% với rượu trên 20 độ và bia từ năm 2026, sau đó mỗi năm tăng 5%, đạt mức tối đa 100% vào năm 2030.

Riêng với mặt hàng rượu dưới 20 độ sẽ tăng thuế suất từ mức hiện hành 35% lên 50%, 55%, 60%, 65%, 70% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.

Nhưng ở chiều ngược lại, đại biểu Khang Thị Mào (đoàn Yên Bái) lại đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam có trên 15,6 triệu người hút thuốc lá, chiếm 22,5% dân số; đồng thời là quốc gia có số lượng người sử dụng thuốc lá đứng thứ 15 trên thế giới, với lượng tiêu thụ hàng năm khoảng 4 tỷ bao thuốc lá.

Điều này đồng nghĩa, mỗi năm xã hội phải bỏ ra khoảng 49.000 tỷ đồng để mua và khoảng 108.000 tỷ đồng dành cho các chi phí y tế liên quan đến thuốc lá.

Theo đại biểu này, tiêu dùng thuốc lá ở Việt Nam gây ra những gánh nặng về bệnh tật, tử vong, kinh tế ở cả cấp độ gia đình và quốc gia.

Nguyên nhân chính là do mức giá và thuế thuốc lá ở Việt Nam ở mức thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đại biểu đoàn Yên Bái cũng nhấn mạnh, tiêu dùng rượu, bia ở Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là trong giới trẻ, gây ảnh hưởng lớn đến y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề về xã hội.

Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia lên 85% ngay sau khi dự thảo Luật có hiệu lực thi hành, và mỗi năm tăng thêm 5%, đạt mức tối đa 100% vào năm 2029, bao gồm cả rượu dưới 20 độ.

Đại biểu tính toán, lượng tiêu thụ sẽ giảm khoảng 150 triệu lít bia và khoảng 3 triệu lít rượu, trong khi thu NSNN tăng thêm khoảng 10.000 tỷ đồng.

Đề nghị bổ sung túi nilon, thuốc diệt cỏ… vào diện chịu thuế

Ngoài ra, đối với đề xuất áp thuế 10% đối với mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế, ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội cũng đồng tình, qua đó giúp giảm tình trạng thừa cân, béo phì.

Nhưng một số đại biểu đề nghị cần có lộ trình cả về thời gian và mức chịu thuế để đảm bảo hài hoà việc sản xuất trong nước và điều chỉnh hành vi.

Hơn nữa, ý kiến một số đại biểu đề nghị đánh giá kỹ lưỡng tác động của quy định xe có động cơ dưới 24 chỗ đến 17 chỗ là đối tượng chịu thuế để đảm bảo sản xuất trong nước; đồng thời đánh giá tác động rõ ràng hơn của từng loại thuế tiêu thụ đặc biệt để đáp ứng mục tiêu hạn chế những sản phẩm có hại và khuyến khích những sản phẩm tốt, phục vụ cho phát triển đất nước.

Với mặt hàng khác, đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, việc đưa vàng mã thuộc diện chịu thuế là cần thiết bởi hành vi đốt mã của người dân đang ngày càng trở nên phổ biến, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, gây lãng phí lớn.

Vì vậy, ngoài biện pháp tuyên truyền, vận động người dân giảm đốt vàng mã, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ điều chỉnh cần thiết nhằm thay đổi hành vi đốt mã của người dân.

Đồng thời, đại biểu Dương Minh Ánh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, bổ sung các mặt hàng túi nilon, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, vì đây là những mặt hàng gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, nguy hại đến sức khỏe của người dân.

Nguồn: Hải quan online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *