Hiện nay, sản phẩm thực phẩm chế biến Việt Nam, trong đó các sản phẩm thủy sản đã được xuất khẩu đến hơn 160 quốc gia, và chưa có nước nào yêu cầu “muối sử dụng trong chế biến thực phẩm phải là muối có bổ sung I-ốt”.

37

Loại trừ đối với sản phẩm xuất khẩu

Liên quan đến việc bổ sung I-ốt cho thực phẩm, 5 hội, hiệp hội doanh nghiệp, gồm: Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hội Sản xuất Nước mắm TP Phú Quốc đã gửi văn bản tới Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bộ Y tế phản hồi văn bản của viện này, đồng thời kiến nghị mở rộng phạm vi khảo sát, đánh giá toàn diện tác động chính sách quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 09/2016/NĐ-CP.

Cụ thể, theo phản ánh của các hiệp hội, nếu đánh giá tác động đối với thực phẩm xuất khẩu và khả năng đáp ứng các yêu cầu thị trường quốc tế khi áp dụng quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 09, những tác động tiêu cực đối với “thực phẩm xuất khẩu” là rất đáng quan ngại.

Bởi theo Điều 42 của Luật An toàn Thực phẩm 2010, việc cấp giấy chứng nhận cho hàng xuất khẩu phải tuân theo yêu cầu và quy định của nước nhập khẩu. Hiện nay, sản phẩm thực phẩm chế biến Việt Nam, trong đó các sản phẩm thủy sản đã được xuất khẩu đến hơn 160 quốc gia, và chưa có nước nào yêu cầu “muối sử dụng trong chế biến thực phẩm phải là muối có bổ sung I-ốt”.

Khi Nghị định 09 ra đời, nhiều đối tác, khách hàng quốc tế, đặc biệt là Nhật Bản, đã bất ngờ và yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp thêm một bản cam kết xác nhận rằng muối sử dụng không có I-ốt, đã tạo ra thủ tục hành chính bổ sung, tăng chi phí kiểm định và nguy cơ mất hợp đồng xuất khẩu.

Đây là thực tế mà các doanh nghiệp xuất khẩu đang đối mặt, tạo áp lực lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đại diện các hiệp hội cho rằng, từ năm 2017 đến nay, các doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam vẫn duy trì được xuất khẩu là nhờ vào sự phản hồi và kiến nghị kịp thời từ các Hội/Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp thực phẩm với Chính phủ, Bộ Y tế. Sau đó, Bộ Y tế đã có văn bản số 6144/BYT-PC ngày 27/10/2017 không yêu cầu kiểm tra các doanh nghiệp thực phẩm có sử dụng muối I-ốt, và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 yêu cầu Bộ Y tế sửa đổi Nghị định 09/2016 theo hướng khuyến khích bổ sung.

Hiện nay, tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định 09 quy định chỉ có “cơ sở xuất khẩu thực phẩm” đang được cho phép loại trừ, không thuộc điều chỉnh của Nghị định. Tuy nhiên, thực tế là phần lớn các doanh nghiệp thực phẩm đều sản xuất song song cho cả xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Rất ít doanh nghiệp chỉ sản xuất chuyên cho xuất khẩu.

Ngoài ra, việc làm sạch thiết bị, dây chuyền và môi trường sản xuất để tránh nhiễm chéo hai loại sản phẩm sử dụng muối I-ốt và không I-ốt có thể kéo dài từ 6-12 tiếng, gây ảnh hưởng đến năng suất và đòi hỏi đầu tư dây chuyền riêng biệt, điều mà không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng thực hiện. Do đó nếu giữ nguyên nội dung khoản 2 Điều 2 như hiện hành, thì quy định này sẽ chỉ loại trừ rất ít nhà máy, không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của ngành.

Từ thực tế trên, các doanh nghiệp đề nghị Viện Chiến lược và Chính sách Y tế xem xét và tiến hành khảo sát, đánh giá vấn đề này để đưa vào báo cáo sắp tới. Đồng thời, kiến nghị sửa đổi khoản 2 Điều 2 của Nghị định 09/2016/NĐ-CP thành loại trừ “sản phẩm thực phẩm xuất khẩu” thay vì loại trừ “cơ sở thực phẩm xuất khẩu”.

Doanh nghiệp tốn thêm tiền tỷ

Theo đánh giá tính hiệu quả của chính sách bổ sung vi chất vào thực phẩm chế biến: Chi phí cao nhưng hiệu quả thực tế chưa rõ ràng khi sản phẩm thực phẩm thành phẩm không còn I-ốt.

Theo Tờ trình của Bộ Y tế, giải pháp bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm chế biến được đánh giá là phương án chi phí thấp, ước tính chỉ khoảng 0,06 USD/người/năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các doanh nghiệp đang gánh chịu chi phí rất lớn để tuân thủ quy định này, bao gồm chi phí cho nguyên liệu, kiểm soát chất lượng, và điều chỉnh quy trình sản xuất.

Đơn cử, trường hợp của Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam, chi phí phát sinh để thực thi chính sách bổ sung vi chất đã lên tới 14 tỷ đồng mỗi năm. Đây là chi phí của một doanh nghiệp, và khi nhân rộng trên toàn ngành, ước tính con số này có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Chi phí này được phân bổ vào giá thành sản phẩm, tạo thêm gánh nặng cho người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thách thức.

Nhiều sản phẩm chế biến sau khi bổ sung vi chất, qua quá trình chế biến và lưu thông, hàm lượng vi chất trong thành phẩm đã hao hụt đáng kể hoặc không còn. Thậm chí, một số sản phẩm còn bị biến đổi mùi vị, làm giảm chất lượng và giá trị dinh dưỡng kỳ vọng.

Các doanh nghiệp cho rằng, đã có những bằng chứng khoa học rõ ràng chứng minh thực tế này thông qua các kết quả kiểm nghiệm sản phẩm từ doanh nghiệp thành viên, tuy nhiên các kết quả này chưa được Bộ Y tế công nhận. Do đó, mặc dù các doanh nghiệp đã chịu chi phí đáng kể và nhiều rủi ro trong sản xuất, nhưng lợi ích sức khỏe thực tế mà người tiêu dùng nhận được lại không tương xứng.

Đánh giá tác động về khả năng cung ứng muối tinh khiết đạt chuẩn cho xuất khẩu, các doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là ngành thủy sản Việt Nam, đang nỗ lực duy trì vị thế hàng đầu trên thị trường quốc tế, việc đảm bảo nguồn cung muối tinh khiết, đạt tiêu chuẩn chất lượng (theo đúng TCVN, độ tinh khiết >97%) rất cần thiết.

Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, mà còn tác động đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu trên thị trường toàn cầu.

Nguồn: Hải quan online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *