Việc áp thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với đồ uống có đường phải đảm bảo hài hòa các lợi ích và đặt lợi ích người tiêu dùng là trên hết. Có như vậy, các DN cũng sẽ hướng tới sự bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dần dần thay đổi văn hóa của người sử dụng, người sản xuất thực phẩm, hướng tới những sản phẩm an toàn cho người dùng.
Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi) với việc điều chỉnh một số nội dung quan trọng.
Trong đó, dự thảo có quy định: “Bổ sung nước giải khát (NGK) có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB” và đề xuất áp dụng mức thuế suất 10%.
Tại Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu “Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế TTĐB đối với NGK có đường” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 17/10, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh CIEM cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp (DN) ngành NGK gặp nhiều khó khăn khiến cho sức chống chịu của DN suy giảm.
Do đó, giai đoạn này Chính phủ cần hướng tới các chính sách hỗ trợ DN phục hồi; sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật theo hướng tạo thuận lợi cho DN.
Kết quả phân tích cho thấy, nếu áp thuế TTĐB 10% đối với mặt hàng NGK có đường sẽ tác động tới DN ngành NGK và nền kinh tế trên một số khía cạnh như quy mô sản xuất, sản lượng, giá trị gia tăng, lợi nhuận, thu nhập, lao động và cả nguồn thu NSNN.
Do đó, đối với cơ quan quản lý, CIEM đề xuất, cơ quan soạn thảo cần tổ chức tham vấn rộng rãi đối với các đối tượng chịu tác động bởi chính sách. Đồng thời, việc ban hành mới hay sửa đổi, bổ sung các quy định, chính sách cần thực hiện đánh giá tác động toàn diện.
Để điều tiết hành vi tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước có thể áp dụng đồng thời nhiều công cụ quản lý khác nhau.
Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; sớm hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật (TCVN) đối với mặt hàng thực phẩm và đồ uống để đảm bảo chất lượng thực phẩm, đồ uống khi tiêu thụ trên thị trường.
Đối với các hiệp hội DN, ngành hàng, CIEM đề xuất chủ động cập nhật, phối hợp cung cấp thông tin, cơ sở khoa học tới cơ quan soạn thảo và các bên liên quan trong quá trình lấy ý kiến cho dự thảo luật.
Hợp tác trao đổi, chia sẻ các mối quan tâm; kịp thời phản ánh các vấn đề, vướng mắc, khó khăn; đề xuất các kiến nghị liên quan đến chính sách và thực thi chính sách để đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo thuận lợi, an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Đối với các DN, bà Thảo cho rằng, cần phải đầu tư, nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới có lợi cho sức khoẻ; cấu trúc lại hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh của DN để tiết giảm chi phí.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, nếu áp thuế hay tăng thuế là giải pháp cần thiết thì DN không phản đối.
Tuy nhiên, theo ông Việt, trong bối cảnh DN NGK Việt Nam còn nhiều khó khăn thì điều này cần đánh giá kỹ lưỡng hơn. Khi đưa luật đi vào cuộc sống rất cần có sự hài hòa để DN phát triển.
Liên quan tới vấn đề áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường, TS. Trần Thị Nhị Hà, Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết, Ban Dân nguyện cũng nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều về việc có hay không đánh thuế TTĐB đối với đồ uống có đường, trong đó có rất nhiều ý kiến đồng thuận.
“Do vậy, cần phải làm thế nào để đưa ra một quyết định chính xác nhất, một chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn, tình hình kinh tế của Việt Nam, phù hợp với sức khỏe cộng đồng là điều rất quan trọng”, TS. Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.
Bà Hà cũng nhấn mạnh, về nguyên tắc, bên cạnh mục đích thu ngân sách, quan trọng nhất, thuế TTĐB phải hướng tới điều tiết hành vi người tiêu dùng đối với việc sử dụng các loại hàng hóa, dịch vụ gây tác động đến sức khỏe và môi trường.
Khi quyết định cần phải đánh thuế TTĐB đối với loại hàng này thì cần phải có đánh giá sâu sắc với bằng chứng khoa học mang tính thuyết phục.
Việc đánh thuế phải đảm bảo hài hòa các lợi ích và đặt lợi ích người tiêu dùng lên trên hết. Có như vậy, các DN cũng sẽ hướng tới sự bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dần dần thay đổi văn hóa của người sử dụng, người sản xuất thực phẩm, hướng tới những sản phẩm an toàn cho người dùng.
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, để điều chỉnh hành vi người tiêu dùng, tăng thuế TTĐB chỉ là một phần, còn lại phải có các biện pháp khác quan trọng để định hướng hành vi, thay đổi tiêu dùng. Do đó, khi đưa ra một chính sách thuế cần phải cân nhắc tính khả thi của chính sách khi đi vào thực tiễn.
(Nguồn: Hải quan)